Đường về Đào Nguyênhttps://daonguyenmusic.com/assets/images/logo.png
Thứ ba - 01/04/2014 01:35
Đây chính là tựa đề cho một CD của Nữ Nhạc Sỹ Đào Nguyên. Chỉ với cái tựa thôi cũng đã đủ mang đến cho tôi một thiện cảm lúc ban đầu. “Những Bậc Thềm Rêu” hình như đưa ta về một quá khứ bị đánh mất, và nay không còn ghi lại một chút vết tích nào. Bước chân về nơi cũ, những bậc thềm đã phủ lớp rêu xanh của thời gian!
Tôi nhủ thầm “Lại thêm một Đào Nguyên…”. Tôi từng quen biết với hai nhà thơ đều mang bút hiệu Đào Nguyên. Và tôi nghĩ lại thêm một “ông nhạc sĩ” Đào Nguyên. Nhưng thật bé cái lầm Đào Nguyên lần này lại là một người nữ!
Tôi rất mê nhạc và nhất là đang phụ trách một chương trình nhạc trên Đài Phát Thanh... Hình như cái lỗ tai của tôi cho phép tôi cảm nhận được những cung bậc mang đến cho tôi những rung động đến rợn người.
Ngay từ nhạc phẩm đầu, NẮNG MƯA CUỘC TÌNH đã đẩy người nghe vào một cảm xúc tiếc nuối vì những mất mát, những hụt hẫng cho một cuộc tình vừa chấp cánh bay đi. Dòng nhạc vẫn kéo người nghe trở về với những kỷ niệm ngày tháng cũ khi cuộc tình thăng hoa. Dù lời thơ của Phạm Ngọc không tránh được những ước lệ, nhưng thật tha thiết. Dòng thơ đã quấn quýt ghì chặt lấy từng cung bậc trong nhạc phẩm này. Tôi chợt nhớ đến nhạc phẩm nền trong phim LOVE STORY. Tôi coi cuốn phim này cách nay cũng đã 38 năm nhưng những âm thanh cuống cuồng mất mát trên từng bước chân vội vã, cuồng nhiệt trên khắp các ngã đường kiếm bóng dáng người tình. Rồi hạnh phúc đến nghẹn ngào khi thấy nàng đang ngồi cô đơn ở một nơi thường hò hẹn.
Tôi thích những câu thơ như… “còn vương vấn dòng sông trôi, xoá tan đi hoặc thành phố buồn lất phất hơi sương…” Những câu thơ gợi tôi nhớ lại những đêm ngồi ở nhà thuỷ tạ Hồ Xuân Hương chờ sương lên trong những ngày tháng của quá khứ thật xa! Tiếng hát Don Hồ diễn tả nhạc phẩm khá tốt. Nếu nhạc đệm nhẹ hơn một chút có lẽ tạo cho nhạc phẩm khởi sắc hơn.
Vừa dứt cái lê thê của nuối tiếc, mất mát vẫn còn phản phất chưa nguôi. Bỗng giọng reo vui của Hồng Hạnh trong nhạc phẩm KHI TA CÓ NHAU như kéo ta ra khỏi màn sương đêm vào vùng ánh sáng chói lòa của của ánh bình minh. Điệu Tango như vẫn còn vương vấn những ngày hạnh phúc… Khi ta có nhau.
Giọng hát Quang Tuấn chạy theo những cung bậc của nhạc phẩm TRỐN thật khéo. Những nốt nhạc như cuồn cuộn một lần bỏ lại sau lưng những gì chợt mất trong đời. Để vẫn nuối tiếc với hy vọng tìm lại chút dáng xưa dù có là thân ốc trốn tận dười nước sâu của đảo hoang nào đó. Thế rồi cung bậc chuyển thành lê thê với quá nhiều mất mát. Tháng tư đen vẫn mãi như vết thương đau của những người đang lạc nhau trên từng bước đường lưu xứ. Ta đã lạc nhau trong đời để cho cuộc tình cùng nỗi nhớ rong rêu. EM KHÔNG CÒN QUA NỮA BẬC THỀM RÊU như một thét gào của thất vọng. Tất cả hiện tại không sao xóa mờ được những kỷ niệm ngày tháng cũ. Vì “Em đi qua tôi mất từng nụ cười…” để “Vẫn còn tôi trên dòng đời hiu quạnh…” và “Tháng tư giăng đầy góc phố …!” Lời thơ thật rung động.
CHIỀU KHÔNG EM, tựa đề thật lạ cho một nhạc phẩm. Giọng hát Ý Lan như lê thê cho nỗi buồn bốn mùa qua đi trên những nẻo đường ly hương. Những đổi thay của thời gian và cảnh vật xung quanh như càng làm cho nỗi buồn trong nét nhạc Đào Nguyên thêm thắm thiết, réo rắt niềm đau mất mát. Trong tĩnh lặng của đêm đen Đào Nguyên như được trở về với quá khứ tình yêu. Dòng nhạc của Đào Nguyên càng ngày thêm tròn trịa và cô đọng như niềm xúc cảm nghẹn nghẹn mà chẳng thể bộc lộ… Một nhạc phẩm hay!
Dòng nhạc trở nên tha thiết đi ngược thời gian về lại quê hương. Từ cuộc sống lưu dân rủ rê nhau về với đồng lúa, với lũy tre nơi đó mang dáng dấp hình ảnh người yêu. Tình yêu ấy dành cho người hay dành cho cả một quê hương bỏ lại. QUÊ HƯƠNG NGƯỜI TÌNH hay chính quê hương tôi. Có phải chăng Đào Nguyên đã gửi cả nỗi nhớ quê vào nhạc phẩm này?
Có tuổi nào đẹp hơn dòng sông tuổi thơ. Tuổi thơ được nuôi dưỡng bằng tiếng ru của mẹ hiền, bằng tiếng ca dao đậm đà tình tự dân tộc. Tuổi thơ đã bị tước đoạt để sớm bước vào nỗi nhọc nhằn tủi nhục của kiếp nô lệ. Quê hương nào của em để nhớ! Xung quanh em là xa lạ giữa quê người, không ai xót thương. Tuổi thơ Việt Nam đã bị bán đi bởi những loài ác qủy mang hình người. CÒN ĐÂU TUỔI THƠ, nhạc phẩm chắc chắn đã được viết bằng nước mắt, bằng nỗi xót xa của Đào Nguyên. Âm thanh đã làm cho người nghe phải xúc động là thành công của nhạc phẩm. Và giọng hát thật buồn của Cam Thơ đã đưa nhạc phẩm CÒN ĐÂU TUỔI THƠ của Đào Nguyên vào vị trí xứng đáng của những nhạc sĩ hải ngoại bây giờ.
Tình yêu vẫn là đề tài vô tận. Nếu gom lại những tác phẩm thơ, văn, nhạc của thế nhân chắc chắn trái đất này đã phủ kín. Khóe mắt, nụ cười, mái tóc và cả búp tay thon thả đã là NGÔN NGỮ TÌNH YÊU bất thành lời. Ngôn ngữ thật thừa thải khi hai tâm hồn đã trao nhau trọn vẹn. Tiếng hát nào hòa nhịp với tiếng dương cầm như hai trái tim cùng trỗi khúc yêu đương. Nhưng lỡ mai này không còn giọng hát thì chắc hẳn tiếng đàn cũng trở nên lỗi nhịp tình, như đôi kẻ yêu nhau bỗng chia lìa.
Cuộc tình bỗng mệt nhoài trong cõi vô thường. Chặng dừng chân nơi cõi ta bà đã gây nên bao khổ lụy vì những tham sân si mang nặng. Cuộc tình không đạt là nỗi khổ, và khi cuộc tình tan vỡ cũng gây biết bao khổ đau. Cuộc nhân sinh là bể khổ. Cung bậc trầm buồn trong dòng nhạc Đào Nguyên như tiếng chuông Chùa nhẹ buông man mác trong chiều tà. Khi giã biệt nơi này cũng chẳng mang theo được gì nên CHẶNG DỪNG chỉ là cõi tạm. Lâu lắm mói lại nghe lại dòng thơ Song Nhị. Lời thơ và ý nhạc như cùng chấp cánh bay lên trên cõi trần gian một lần dừng lại.
Nhạc phẩm cuối của CD cung bậc mang niềm vui của tuổi thơ. Âm thanh như đưa mọi người trở lại niềm vô tư của tuổi măng non. Nhạc phẩm cũng mang nội dung giáo dục rất bổ ích cho các cháu nhỏ trong cuộc sống xa quê hương. HÀI TIÊN đã chấm dứt dòng nhạc của Đào Nguyên bằng giọng hát trẻ thơ chưa vướng mắc gì vào cuộc đời này.
Sau khi nghe mười nhạc phẩm trong CD, NHỮNG BẬC THỀM RÊU đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc. Dĩ nhiên có những nhạc phẩm vươn lên thật cao về phối âm dẫn giắt người nghe phải buồn, giận, thương, ghét vượt trội như EM KHÔNG CÒN QUA NỮA BẬC THỀM RÊU, CÒN ĐÂU TUỔI THƠ hay NẮNG MƯA CUỘC TÌNH và CHẶNG DỪNG. và nhạc phẩm dành cho tuổi thơ như HÀI TIÊN. Những nhạc phẩm khác trong CD tuy không nổi bật nhưng cũng là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật nhất định.
Bài tạp ghi này là một nhận định đầu tiên của cá nhân về một bộ môn tôi chỉ có thể đánh giá bằng “đôi tai” và với một tấm lòng... Bộ môn văn nghệ tôi mù tịt về kỹ thuật ký âm pháp cũng như kỹ thuật sáng tác...
Ngũ Lang, Vùng gió xoáy – xuân không chín
Trích trong NHỮNG BẬC THỀM RÊU, bài viết của Ngũ Lang
Thân phụ là cựu giáo sư Petrus Ký, được thân phụ dạy đàn mandoline từ nhỏ.
Nhạc cụ thường sử dụng: piano.
Sinh trưởng tại Saigon, gia đình có hai anh em. Sang Hoa kỳ năm 1984 theo diện bảo lãnh, sống ở Peoria, tiểu bang Illinois từ 1984 tới 1988. Tốt nghiệp Cử Nhân Kế Toán tại Bradley...