Em không còn qua nữa bậc thềm rêu (Khôi An)

Thứ ba - 01/04/2014 01:32
Tôi đã “gặp” bài thơ Em Không Còn Qua Nữa Bậc Thềm Rêu của Phạm Ngọc từ năm ngoái. Bài thơ ngậm ngùi, gợi nhớ cả một thời xưa kỷ niệm. Ai lớn lên ở VN mà không từng gần gũi với những bậc thềm rêu trong những con ngõ, những góc chùa, hoặc những ngôi trường cổ kính như trường Trưng Vương của tôi. Đọc bài thơ tôi tưởng như tác giả là một người trong đám chúng tôi ngày đó, chỉ sau một lần tan học, hôm sau trở lại ngơ ngác trong sân trường vì người thương đã không còn đến lớp…
Em không còn qua nữa bậc thềm rêu (Khôi An)
  
Chỉ cái nghe cái tựa thôi, thính giả đã đoán được đây là một bài nhạc lãng mạn và buồn. Và điều bất ngờ thích thú đã đến với tôi ngay tiếng nhạc mở đầu. Không phải là Slow chậm buồn hay Boston rã rời mà là một điệu nhạc da diết có chút âm huởng của nhạc Jazz. Nhạc không chậm mà khá dồn dập. Và, nhịp điệu hơi mạnh, hơi nhanh, vừa đủ để chuyên chở cái khắc khoải của bài thơ. Tiếng nhạc không diễn tả cái buồn chán chường hay dã dượi mà là cái ngậm ngùi của một chàng thanh niên. Rất buồn nhưng vẫn sống động, rất mất mát nhưng vẫn tự tại. Âm điệu này rất hợp với hình ảnh chàng trai đang nhớ thương người ra đi nhưng “vẫn ngồi giữa cõi nhân gian, rồi chợt buông tiếng hát vu vơ… ” 

Điều bất ngờ thích thú thứ hai đến khi tôi tìm ra nhạc sĩ là Đào Nguyên, một nữ nhạc sĩ. Theo tôi, bài này diễn tả khá tinh tế về cảm xúc của một chàng trai, và Đào Nguyên đã giữ được cái buồn rất “đàn ông” của chàng trai đó bằng cả nhạc và lời. Nhân vật trong bài xưng “tôi”, không phải là “anh”, và điều đó đem lại cho người nghe cảm giác người thanh niên đó đang tâm sự với chính anh ta hơn là với người yêu đã xa. 

Tiếng nhạc réo rắt mở đầu làm người nghe chú ý, và có lẽ người nghe đã gật đầu nghĩ đây là một bài hát đáng nhớ khi đoạn đầu tiên kết thúc bằng “trái tim đau như muôn ngàn vết cứa”. Chữ “cứa” đã được thi sĩ dùng một cách độc đáo để diễn tả nỗi buồn gặm nhấm dai dẳng và đã được diễn tả trọn vẹn, thấm thía bằng nốt nhạc cao rồi thả thật dài. Cam Thơ đã lên rất tròn, rất hay, diễn tả rất tuyệt ở nốt cuối trong câu hát này. 
  
Đào Nguyên đã chọn lựa một cách tài tình chỉ một phần của bài thơ nhưng chuyên chở trọn vẹn nỗi đau thấm thía của một ngươì ở lại, mà mỗi góc nhỏ của không gian đều gợi lại hình ảnh cũ 

“em không còn qua nữa bậc thềm rêu 
vết tích vẫn còn xanh giữa đời mưa nắng 
vẫn con đường xa lạ đến mênh mông 
vẫn con đường năm tháng cũ đợi mong” 
  
Lời thơ nguyên thủy đã hay mà lời hát đuợc chọn lọc rất khéo léo còn cô đọng và diễn tả sâu sắc thêm lên. 

Những người đã từng mất mát, đã từng chia tay sẽ cảm được cái ngậm ngùi của “nhớ mãi một mùa trăng” vì một mùa trăng thì có biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. 
  
Âm điệu bài hát nhịp nhàng, với vài chỗ vút lên cao đưa tới người nghe trọn vẹn cảm xúc trong lời hát. Hình ảnh người thanh niên rất buồn nhưng giữ sâu nỗi buồn trong lòng bàng bạc trong suốt bài nhạc cho đến khi kết thúc. Câu cuối của bài hát bật lên thống thiết, như cuối cùng chàng trai cũng phải ngửa mặt kêu lên 
“đã xa người rồi sao cứ mãi gọi nhau?” 
Nốt nhạc vút cao rồi ngân dài trong chữ “mãi” diễn tả rất đủ cái đau đớn cuối cùng cũng phải thốt lên trong một tiếng than dài. 
  
Nói chung EKCQNBTR là một tác phẩm đáng được nhạc sĩ Đào Nguyên hài lòng vì nó gợi nhớ lại kỷ niệm xưa bằng cách diễn tả không cũ kỹ. Bài hát chuyên chở đuợc những cảm xúc lưu lại trong ký ức người nghe, và đủ thu hút để người mới nghe qua một lần phải tìm nghe lần nữa rồi kết luận là “bản này hay”.

Khôi An (San Jose, California, March 1, 2009)
Trích trong Em không còn qua nữa bậc thềm rêu, Khôi An viết

Tác giả: Khôi An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Giới thiệu về tác giả Đào Nguyên

Thân phụ là cựu giáo sư Petrus Ký, được thân phụ dạy đàn mandoline từ nhỏ. Nhạc cụ thường sử dụng: piano. Sinh trưởng tại Saigon, gia đình có hai anh em. Sang Hoa kỳ năm 1984 theo diện bảo lãnh, sống ở Peoria, tiểu bang Illinois từ 1984 tới 1988. Tốt nghiệp Cử Nhân Kế Toán tại Bradley...

Tin xem nhiều
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây